Đình An Cố, xã Thụy An – Thái Thụy là nơi thờ Đức Nam Hải Đại Vương Thượng Đẳng Thần. Đây là một trong 3 ngôi đình cổ kính nhất ở các huyện ven biển duyên hải Bắc bộ.
Đình đã được Bộ Văn hoá xếp hạng Di tích Quốc gia từ năm 1962 về tiêu chí kiến trúc nghệ thuật.
Khảo sát khắp các huyện ven biển từ Mũi Ngọc, Móng Cái qua hết miền duyên hải Bắc bộ tới tận chân đèo Tam Điệp hiện chỉ còn 3 ngôi đình cổ kính nhất. Đó là đình Trà Cổ - những bậc tiền nhân đi giữ cõi đã dày công đóng một dấu ấn văn hoá lớn giữa vùng biên giới Việt Trung; đình Hàng Kênh thành phố Hải Phòng và ngôi đình thứ 3 là đình An Cố. Trong ba ngôi đình này thì đình An Cố lại cổ kính hơn cả.
Truyền thuyết về sự tích ngôi đình
Ngôi đình An Cố ngày nay, theo truyền thuyết được dựng đầu thời Mạc. Hậu chủ hưng công là Tiến sĩ Nguyễn Thế Ân. Tương truyền ông là một bậc thâm viễn, một chính khách nhìn xa, trông rộng, buổi đầu xuất gia là môn khách cho thế tử Lê Chiêu Tôn. Năm 1516, Hoàng đế Lê Tương Dực bị triều thần Trịnh Duy Sản giết hại, đình thần chọn dòng đích của Cẩm Giang Vương Lê Sùng ( Anh ruột vua Lê Tương Dực) tôn làm vua, từ đó ông thành cánh tay phải của vua Lê Chiêu Tôn.
Không may, đời đang lúc nhiễu nhương, triều thần chia bè, kết đảng, các phe cánh đánh nhau triền miên, trong đám danh thần như Nguyễn Hoàng Dụ, Nguyễn Kính,.. Mạc Đăng Dung được lòng người quy thuận, trong lúc ấy thì vua bạc nhược, nay nghe dèm pha, mai nghe thỉnh thác, khi tin tướng này, khi chèn tướng khác,...
Trước đó, Nguyễn Thế Ân vâng mệnh vua Lê Chiêu Tôn định xây thêm một điện lớn ở kinh thành Thăng Long. Việc chuẩn bị gần hoàn tất thì xảy ra biến loạn, vua Mạc đăng quang bãi việc ấy, hạ chiếu xây dựng Dương kinh ( Thuỷ Nguyên - Hải Phòng). Trung quan Nguyễn Thế Ân xin đưa công trình đang làm dang dở ở Thăng Long về để trả nghĩa cho dân An Cố và ngoại tổ đã cưu mang ông thuở thiếu thời.
Vì điện cũ chưa xong, mới hoàn tất hai vì trung tâm, còn hai vì hồi vì mải lo việc nước, Trung quan cấp tiền cho dân An Cố lo viêc hoàn tất. Bấy giờ, thợ thuyền giỏi đang sửa sang kinh kì, tân tạo Dương kinh. Các cánh thợ khác không đủ tài theo được phong cách các vì đã hoàn tất nên đình An Cố còn có hai vì cạnh trung tâm không được chạm khắc gì cả.
Một kiệt tác kiến trúc điêu khắc thời Lê - Mạc
Đình An Cố có tầm vóc một đại điện ( vì thiết kế cho đại điện ở Kinh thành) bố cục kiểu chữ Đinh. Bái đình cao 0.32m, thềm dài 18 m, rộng 12 m. Đại bờ soi chỉ mớ, trổ hoa chanh. Hai đỉnh hồi đắp ngọc long lớn, cao 0.6 m, dài 1.2m, miệng lớn, răng nhọn ngậm chặt bờ nóc, mắt tròn trợn ngược, mi nhọn như mác, bờm sắc như dao, dựng ngược như chông gai, hất ngược ra phía sau như cờ bay trong gió. Hai chân sau tỳ góc hồi, giống thế hổ ngồi, tạo dáng uy nghi cho đại đình trong những ấn tượng đầu tiên.
Hệ thống bờ cánh, bờ đao cũng soi hai tầng chỉ mớ, trổ hoa chanh; góc bờ cánh đắp nghê thần, dàn đao guột đắp, rồng chầu, phượng múa; nghê thì tư thế hiên ngang, bờm rồng, mắt hổ, chân ôm quả cầu, chân vờn mây cuộn, chân đạp hoa chanh. Đao phượng mỏ dài, bờm xoắn, cánh sải như chim phượng, đuôi dài như chim công. Đao rồng: Râu bờm phất phới, cổ dài vươn cao, cưỡi tản vân như đang cất cánh bay.
Hiên trước, các đầu bẩy chạm tứ linh, tứ quý. Hai gian hồi đóng bốn tầng, ngưỡng bát, ngưỡng thượng, ngưỡng trung, ngưỡng hạ, trên dựng bao kép lắp con song tiện. Thềm bậc lát toàn đá phiến bào gọt, ba gian giưa lắp 2 tầng ngưỡng, đóng cánh cửa ô.
Lịch sử thời tạo dựng đình An Cố cực kỳ phức tạp, biến động như nội dung cá mảng chạm ở đình này. Ngoài đời, vào năm Tý, Mạc Đăng Dung bắt vua Lê Chiêu Tôn thì ở mảng chạm vì hồi phải: Một bầy chuột rúc rích đuổi nhau, con bò trên đầu, con chạy trên lưng, con ẩn trong vây rồng.
Cái mực thước rồng là biểu tượng của vua không còn, long nhan bị loài chuột bọ trèo lên, long thể bị bị loài súc vật biến thành bãi chơi trốn tìm. Mảng chạm phía sau vì hồi động nam: chim sẻ đỗ trên đầu đại bàng như thông điệp thời kỷ cương sụp đổ. Ở mảng chạm vì tiền, phía nam còn có cảnh rồng khỉ giao tranh. Cả một bầy rồng đủ cả cha, con, đàn đống mà bị một con khỉ chặn đường, tay túm râu, tay thò vào miệng giằng ngọc. Rồng mất ngọc như vua mất vương quyền: “ Quốc gia là của trăm nhà, ai có đức được người theo về sẽ là chủ của thiên hạ” ( Chiếu nhường ngôi của vua Lê Cung Hoàng cho Mạc Đăng Dung)
Nghệ thuật điêu khắc đình làng vừa đạt sự tinh mỹ, vừa đạt tính hoành tráng; chi tiết đến từng nếp vây, chiếc vẩy, tỉ mỉ đến từng sợi râu, sợi bờm. Có những mảng lớn diện tích từ 3 – 4m2 mà từ long cuốn thuỷ đến phượng hàm thủ, liêm áp, liên quy, nghê múa, nghê chầu,... Lớp xa, lớp gần, chạm bóng, chạm chìm, chạm lồng, lớp nào cũng tỉ mỷ chi tiết. Mỗi linh vật là một tác phẩm, mỗi mảng chạm là một tác phẩm và cả ngôi đình là một kiệt tác lớn đạt đỉnh cao của giá trị văn hoá nghệ thuật, thành chuẩn mực cho đời sau.
Riêng hai vì cánh tiền và hệ thống con dư của đình An Cố thì vượt xa các tác phẩm cùng loại trước đó và muôn sau. Các con dư đều được chạm lồng từ 5 đến 6 tầng. Đầu dư mi mày dựng ngược, miệng rồng nanh sắc như dao, mang to, miệng ngậm bảo ngọc; râu, tóc, bờm uốn sóng nhịp nhảngồi cùng duỗi thẳng như hàng gươm giáo, tạo thế đang bay lao thẳng về phía trước.
Hai cánh tiền gian trung tâm dài tới 1,2m, cao 0,8m, dày 0,4m là cả bầy rồng con chầu, con múa, con lượn, con bay,... Gần 200 tác phẩm rồng trong đình, mỗi con một vẻ nhưng có chung thể thức: Rồng lửa, mây bờm bay ngang thành rừng kiếm bãi gươm, dựng ngược thành đuốc lửa và cả ngôi đình là một rừng gươm khổng lồ, là không gian đuốc lửa, là thế giới long, ly, quy, phượng,...
Hệ thống hai tầng cửa võng là những kiệt tác độc nhất vô nhị: Trước đình An Cố không có, sau đình An Cố không bao giờ sao chép được. Với không gian chỉ dài 3,6m, cao 1m mà có gần 40 tác phẩm chạm tứ linh. Chỗ thì rồng duỗi từ các tầng mây giáng xuống, ngậm kéo đầu võng; chỗ thì rồng vòng lưng như yên ngựa để cõng đài sen; chỗ thì quắp đuôi quặp lấy trụ đấu rồi uốn duỗi trong không gian bay lên.
Phần da cá: lớp lớp rồng vàng xoắn xuýt, râu bờm dựng ngược cùng ốc cháy như biển lửa hoặc co duỗi, soải dài nhấp nhô nhiều lớp, nhiều tầng như sóng đại dương. Các ván lùa dày chưa tới 3cm mà có nơi chạm long nổi 3 tầng, nét mảnh như lá mạ, như sợi tóc mà không gẫy, hàng vạn chi tiết không để lại một lỗi lầm.
Toà hậu cung lòng rộng 10m gồm 3 gian. Vì cửa cũng được chạm khắc công phu không thua gì bái đình. Vẫn đề tài tứ linh nhưng quan sát thật kỹ có phần tinh xảo hơn. Cửa vào cung cấm chia làm 3 khu: Khu trung tâm và tả hữu. Xà xoi vỏ măng, ngưỡng soi chỉ mớ, bào kép soi kép. Hai toà tả hữu đóng cửa khay, bốn bức giữa lắp thượng xỏ, hạ mật. Các vì còn lại trong cấm đều tạo thế sấu quỳ. Các thanh rường, vì câu đầu, quá giang đều tạo dáng đầu sấu đội đấu soi, lưng sấu cõng xà. Cả bầy sấu mỗi vì thanh mộy lớp, mỗi lớp 16 con sấu to khoẻ chầu vào chính điện. Công năng kiến trúc khoẻ, ước lệ nghệ thuật cao,...
Trải qua các biến động của lịch sử, ngôi đình còn lại ngày nay là các toà do Trung quan Nguyễn Thế Ân xây dựng vào những năm 1527 – 1528. Trong kháng chiến chống Pháp, đình An Cố là văn phòng thành hội Hải Kiến; làng An Cố là cơ sở của đại đội 131 và đại đội số 1 bộ đội Hải Phòng - Kiến An. Tại đây đã diễn ra trận chống càn Mê-duy nổi tiếng do đích thân tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp là Thống chế Đờ lát Đờ tát xi nhi chỉ huy vào ngày 27.4.1951 (Tức 20.3 âm lịch). Tướng Đờ lát Đờ tát xi nhi đã đích thân đáp máy bay vào thị sát đình làng An Cố - một làng kháng chiến điển hình trong chiến dịch đồng bằng Bắc Bộ.
Thời kỳ vàng son, đình An Cố xứng đáng là thiết chế văn hoá tiểu triều đình cũng là thần diện thuần Việt, là kiệt tác nghệ thuật kiến trúc, nơi ghi chép đời sống văn hoá dân gian. Mỗi bức chạm khắc đều phản ánh một góc đời sống xã hội, rộng thì khắc hoạ chuyện cung đình, hẹp thì miêu tả lịch sử của làng và đề tài nào cũng đạt đến đỉnh cao nghệ thuật, có tầm khái quát rộng lớn.
Với những giá trị về kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, đặc sắc ấy, ngày 28 tháng 4 năm 1962, đình An Cố đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Văn hoá (Nay là bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) Hoàng Minh Giám ký Quyết định xếp hạng Di tích, danh thắng Quốc gia đợt I ( Quyết định 313-VH/VP). Đây là một trong hai di tích đầu tiên của Thái Bình được xếp hạng ( cùng Chùa Keo – Vũ Thư) và là 1 trong 62 di dích đầu tiên trên toàn Miền Bắc được xếp hạng di tích Quốc gia.
Ngày nay, đình An Cố trở thành viên ngọc quý trong các di sản kiến trúc văn hoá thời Lê Mạc của đất nước, là điểm đến của nhiều du khách và các nhà nghiên cứu văn hoá trong và ngoài nước.
Theo Nguyễn Thụ Đát (UBND Thành phố Hà Nội), VNExpress
Du lịch, GO!